Xem các kiến thức mới tại đây.
Mỗi người sẽ có sở thích và cách học tập riêng của mình. Dù vậy vẫn luôn có những câu hỏi: Bạn nên chọn học một mình hay học nhóm hay cả hai?.Những điều cần cân nhắc khi bạn quyết định học một mình hay học với một nhóm bạn sẽ được bật mí ngay dưới đây:
Đối với hình thức tự học
Tự học là một kĩ năng rất quan trọng, cho phép bạn tự lập nghiên cứu và tìm kiếm thông tin một cách độc lập mà không phụ thuộc vào người khác. Trong môi trường đại học, sinh viên được khuyến khích phát triển khả năng tự học. Khi gặp khó khăn sinh viên tự học và nghiên cứu, tự vận dụng và liên hệ kiến thức để giải quyết vấn đề. Điều này giúp bạn lưu giữ kiến thức lâu hơn. Ngoài ra, việc tự học còn giúp bạn linh động trong thời gian học, có thể lựa chọn địa điểm học phù hợp với bản thân và phân chia thời gian học một cách hợp lý và đặc biệt là trong việc ôn thi một mình.
Cụ thể việc tự học mang lại những lợi ích sau:
Tự học mang lại nhiều lợi ích đáng kể. Đầu tiên, khi tự học, chúng ta có thể tập trung và suy nghĩ về vấn đề một cách bình tĩnh, nhằm hiểu sâu hơn về các kiến thức mới. Thường xuyên ôn tập và tự học giúp chúng ta ghi nhớ kiến thức tốt hơn.
Thứ hai, tự học mang lại cơ hội để phát triển những ý tưởng lớn. Khi ta đào sâu vào nghiên cứu, ta thường hoài nghi, đặt câu hỏi cho bản thân và đôi khi chợt nảy ra một ý tưởng mới. Có những ý tưởng bất ngờ đã thay đổi thế giới, và chúng ta cũng có thể tạo ra những ý tưởng đột phá bằng cách tự học.
Thứ ba, tự học rèn luyện ý chí. Quá trình tự học giúp chúng ta rèn luyện khả năng đa dạng kiến thức, cách tư duy và giải quyết vấn đề. Nhờ đó, khả năng xử lý vấn đề của mỗi người trở nên nhanh nhạy và toàn diện hơn, từ đó tự tin hơn để vượt qua những thử thách trong cuộc sống.
Những mặt tích cực của phương pháp tự học là không thể phủ nhận. Nhưng không phải sinh viên nào cũng đạt được kết quả cao nhất với phương pháp học tập này. Vậy, những khuyết điểm của việc tư học là gì?
Tự học mang lại những lợi ích về việc bản thân có thể tự lập nghiên cứu và tìm hiểu thông tin. Tuy nhiên, việc tự học cũng gặp phải một số khó khăn.
Thứ nhất, việc tự học có thể dễ dàng gây nản chí và mất động lực học tập. Cơ thể và não bộ của con người luôn muốn chọn cách dễ nhất, bỏ qua những điều khó khăn. Tự học cũng vậy, việc tìm động lực và vượt qua sự chán nản để tiếp tục học tập là rất quan trọng. Không có ai thúc giục và quản lý bạn, bạn dễ bỏ cuộc nếu không thể duy trì được động lực học tập.
Thứ hai, tự học có thể dễ dàng mất định hướng. Tự tìm kiếm thông tin và tài liệu có thể khiến bạn mông lung và mất định hướng. Bạn có thể sa đà vào một chủ đề hoặc nội dung nào đó, khiến cho việc học của bạn trở nên tốn nhiều thời gian và kiến thức học được không đầy đủ.
Thứ ba, kiến thức tự tìm hiểu chỉ là một khía cạnh của việc học tập. Việc tự học có thể dẫn đến việc hiểu sai kiến thức hoặc không đầy đủ kiến thức. Tự học cũng đòi hỏi sự nỗ lực và khả năng xử lý thông tin của bạn, và không phải ai cũng có thể đối mặt với những khó khăn trong quá trình học tập.
Đối với hình thức học nhóm
Tôi nghe thì tôi quên, tôi nhìn tôi nhớ, tôi làm thì tôi hiểu nhưng khi tôi giảng cho người khác hiểu thì đó là kiến thức của tôi” (Khuyết danh)
Việc học theo nhóm là một trong những cách khắc phục điểm yếu cá nhân và tăng hiệu suất học tập. Hình thức học nhóm giúp những bạn học tốt có thể giúp đỡ những bạn học yếu hơn và mỗi thành viên trong nhóm đóng góp để cùng đạt được một mục tiêu chung. Điều này tạo ra một môi trường lý tưởng để rèn luyện kỹ năng làm việc theo nhóm (teamwork skill) mà rất cần thiết trong cuộc sống sau này. Những lợi ích của hình thức học theo nhóm mang lại cụ thể như sau:
Thứ nhất, học nhóm sẽ giúp bạn phát huy mặt mạnh và cải thiện mặt còn chưa mạnh. Khó có một người theo kiểu "biết tuốt" như "hiệu trưởng Google", vì mỗi người có thế mạnh ở môn học khác nhau. Và đó là quy luật bù trừ của những người trong cùng một nhóm.
Thứ hai, rèn luyện tư duy phản biện. Học nhóm mang tính chất hỗ trợ, hợp tác nhưng đôi khi cần có sự tranh luận về một vấn đề bất đồng. Điều này khó có được khi tự học ở nhà. Qua sự bất đồng ý kiến, các thành viên trong nhóm sẽ lập luận, phân tích và thuyết phục các thành viên khác tin vào ý kiến của mình. Việc thực hành như thế có thể rèn luyện cho não khả năng tư duy nhanh hơn, kỹ năng lập luận phản biện và sáng tạo. Môi trường học nhóm đảm bảo việc học hiểu sâu hơn và đa chiều về các kiến thức mà nếu tự học có thể bạn sẽ bỏ qua.
Thứ ba, lấp đầy lỗ hổng kiến thức cho tất cả nhóm. Học nhóm mang lại một cơ hội tuyệt vời để lấp đầy những thiếu sót của mình cũng như hỗ trợ bổ sung cho các bạn yếu hơn. Bằng cách so sánh ghi chép của bản thân với các thành viên khác, bạn có thể đánh giá chính xác, cải thiện những thiếu sót và có thêm những ý tưởng tốt hơn.
Tương tự như tự học, việc học theo nhóm mang lại hiệu quả cao nhưng không phải không có những mặt còn hạn chế của hình thức học này là gì?
Thứ nhất, giảm tính linh động về mặt thời gian là điểm yếu của học nhóm, vì bạn phải phụ thuộc vào các thành viên khác và dễ bị phân tâm bởi môi trường xung quanh. Nhiều người có suy nghĩ rằng học nhóm là rất thoải mái, vì nó cho phép bạn cùng học và nói chuyện, nhưng điều đó thực tế làm mất thời gian của bạn một cách vô ích.
Thứ hai, học lệch trọng tâm là một điểm yếu khác của học nhóm. Đôi khi, các thành viên trong nhóm không có kiến thức như bạn, và họ muốn dành nhiều thời gian để nghiên cứu một chủ đề mà bạn đã biết rõ. Khác với tự học, bạn có thể tập trung vào các chủ đề bạn chọn và dành ít thời gian hơn cho những kiến thức bạn đã làm chủ được. Điều này giúp bạn sử dụng thời gian một cách thông minh hơn.
Thứ ba, học nhóm không phù hợp cho những môn học cần sự yên tĩnh để ghi nhớ. Nhiều sinh viên có khả năng tập trung không cao, và họ khó ghi nhớ mọi thứ nếu không có không gian yên tĩnh. Vì vậy, học nhóm sẽ không phù hợp với những người như thế.
Tóm lại, học một mình hay học nhóm đều có những ưu, khuyết điểm của nó. Điều quan trọng là bạn phải xác định những yêu cầu phù hợp với bản thân như : thời gian, khả năng, và mục tiêu của chính mình. Một gợi ý từ những bạn sinh viên học tập tốt là họ luôn lựa chọn một cách thông minh và cân bằng giữa cả hai kiểu học này để phát huy và khắc phục ưu nhược điểm của chúng, từ đó đem lại kết quả học tập tốt hơn. Hãy luôn tập xây dựng cho mình những thói quen tốt, trong đó có thói quen tự học. Chúc các bạn tìm ra được hình thức học tập hiệu quả, phù hợp với bản thân nhé!
Xem các video nội dung tương tự
0 comments:
Post a Comment